Hà Nội - Du lịch theo dòng lịch sử

Hà Nội còn lưu giữ nhiều di tích, dấu tích cổ Việt Nam quan từng giai đoạn lịch sử. Trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, trải qua không ít sự phá hủy, những dấu ấn của lịch sử vẫn đứng hiên ngang giữa lòng Hà thành từng bước phát triển. Xen lẫn rất nhiều công trình kiến trúc hiện đại là những nơi mang đậm dấu ấn lịch sử mà chính những truyền thuyết xung quanh đó khiến chúng ta muốn tìm đến để chiêm ngưỡng. Hà Nội luôn có nét gì đó thật cổ kính, linh thiêng. Hãy cùng Happy Go ngược dòng thời gian khám phá Hà Nội qua các địa điểm mang đậm dấu mốc lịch sử nhé!

1. Hồ Hoàn Kiếm

Tản bộ quanh bờ hồ thơ mộng, khám phá ngôi đền cổ và ngắm cư dân phố cổ chuẩn bị cho ngày mới hay nghỉ chân dưới bóng râm của những hàng cây cổ thụ.

Hồ Hoàn Kiếm là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Hà Nội và là nơi có những ngôi đền, chùa thơ mộng nhất nhì thủ đô. Cách phố cổ chỉ một quãng ngắn đi bộ, hồ là một khoảng xanh thanh bình giữa lòng thủ đô đông đúc, náo nhiệt. Tại đây, du khách có thể cùng cư dân địa phương đấu cờ, tản bộ quanh hồ hay thư giãn dưới những tán cây. 

Tên Hồ Hoàn Kiếm, hay thường được gọi là Hồ Gươm, được đặt theo truyền thuyết Lê Lợi hoàn trả gươm báu cho thần Kim Quy sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Giữa hồ là Đảo Ngọc Sơn và Đền Ngọc Sơn với dáng uy nghi. Nối giữa bờ hồ và đảo là Cầu Thê Húc đỏ thắm. Nếu may mắn, khi đi qua cầu, du khách còn có thể thấy bóng cụ rùa thấp thoáng ngoi mình tắm nắng. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loài rùa đặc hữu chỉ có tại Hồ Gươm. 

Mang theo tấm trải và tổ chức bữa dã ngoại dưới bóng râm bên bờ hồ. Hồ Hoàn Kiếm cách các khu chợ và nhiều cửa hiệu thực phẩm chỉ vài phút đi bộ. Hay nghỉ chân ngắm cư dân địa phương tập thể dục, chạy bộ quanh hồ hoặc tham gia cùng họ. 

Du khách có thể dễ dàng tìm những quán cà phê vỉa hè quanh hồ. Hoặc đi bộ sang khu phố cổ để thưởng thức những món đặc sản Hà Nội tại các nhà hàng nhỏ xinh.

Hồ Hoàn Kiếm nằm gần khu phố cổ Hà Nội và từ hồ có thể đi bộ đến khá nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng khác của thủ đô. Có các tuyến xe buýt và vài con phố cho phép đỗ xe quanh hồ. Không mất phí tham quan hồ.

2. Đền Ngọc Sơn

 

Nằm trên hòn đảo nhỏ giữa hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn là một trong những thắng cảnh nên thơ và thanh tịnh nhất Hà Nội. Ngôi đền này nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng, là đề tài của vô số tác phẩm nhiếp ảnh và kiến trúc nội thất đầy những cổ vật quý giá. Tản bộ quanh bờ hồ, sau đó băng ngang cầu Thê Húc để đến đền.

Từ giữa cầu, du khách có thể ngắm toàn cảnh hồ với Đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa ở phía xa. Đây chính là một trong những góc chụp toàn cảnh hồ đẹp nhất. Khi hoàng hôn xuống, cả mặt hồ như sáng rực bởi ánh nắng chiều tà, tạo thành cảnh đẹp khó quên.

Đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam với những hình chạm trổ, trang trí tinh vi. 

Ngày nay, đền vẫn là nơi thờ tự qua nhiều thế kỷ. Đến với đền, du khách sẽ được đắm mình trong không gian trầm mặc và hương khói nhang nghi ngút. Đừng quên ghé vào thăm Tháp Bút và Đắc Nguyệt Lâu giữa vùng cây cối um tùm trông như ngôi lầu tháp nhô lên từ dưới nước. Sau đó dừng chân thắp hương cho các chiến sĩ tại Đài Liệt Sĩ cạnh đền. 

Đền Ngọc Sơn nằm giữa Hồ Hoàn Kiếm, ngay sát phố cổ Hà Nội. Du khách có thể đi bộ đến đền từ hầu hết mọi danh thắng khác trong khu trung tâm thành phố. Có vài con phố cho phép đỗ xe quanh hồ. 

Đền mở cửa hàng ngày và cần mua vé tham quan, có vé giá ưu đãi cho sinh viên và trẻ em. Quầy bán vé nằm gần lối qua cầu sang Đảo Ngọc Sơn.

3. Di tích Nhà tù Hỏa Lò

 

Nhà tù Hỏa Lò, còn có tên gọi là Maison Centrale, đóng vai trò quan trọng trong quá trình mở rộng khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam. Nhiều tù nhân chính trị của Việt Nam đã bị tra tấn và giết hại tại đây. Sau đó, trong Chiến tranh chống Mỹ, những người dân miền Bắc Việt Nam đã dùng nơi đây để giam giữ lính Mỹ.

Được chính quyền Thực dân Pháp thành lập vào cuối thế kỷ 19, mặt tiền màu vàng phai nhạt theo năm tháng và những cánh cửa chớp màu xanh của tòa nhà bao bọc bên ngoài những ác mộng tù đày diễn ra đằng sau những bức tường. Nhiều lãnh đạo cách mạng của Việt Nam đã bị giam giữ ở đây, trong đó có năm đồng chí sau này là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản: Đỗ Mười, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn và Nguyễn Văn Linh. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain từng là phi công bị bắt trong Chiến tranh Việt Nam và bị giam giữ 5 năm ở đây. Douglas Peterson, người từng bị giam 6 năm, đã trở thành đại sứ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh vào năm 1997.

Du khách hãy quan sát những xà lim nhỏ có diện tích chỉ 1,8 m x 1,8 m với những tấm phản và chiếu làm chỗ ngủ cho các tù nhân xưa. Cửa sổ luôn đóng và trong tù luôn chật ních người. Năm 1916, sức chứa của nhà tù chỉ có 600 người nhưng nhiều ngày có đến 730 tù nhân. Đến năm 1933, số tù nhân bị giam giữ ở đây tăng lên 1.430 và năm 1954 là hơn 2.000 người.

Trong nhà tù, du khách sẽ nhìn thấy những chiếc cùm sắt ghê rợn cùng nhiều hiện vật và ảnh chụp các tù nhân người Việt bị đeo gông gỗ và bị cùm chân để không thể đứng lên hay di chuyển. Các tù nhân thường xuyên bị bỏ đói, tra tấn, đánh đập và bị cô lập. Hãy đọc câu trích của một cai ngục nói rằng "chết thì dễ nhưng sống thì khó lắm".

Trong Chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ đã châm biếm gọi nhà tù là “Hanoi Hilton”. Hãy xem lưới đánh bóng chuyền các tù nhân từng sử dụng để duy trì sức khỏe. Trong nhà tù có một khu vực dành riêng cho John McCain.

Thông tin ở đây được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Du khách có thể đến Nhà tù Hỏa Lò bằng taxi; địa danh này nằm ở gần quận Ba Đình. Di tích mở cửa hàng ngày từ sáng đến chiều nhưng đóng cửa nghỉ trưa. Khách phải mua vé vào cửa.

4. Cột cờ Hà Nội

 

Trên nóc Cột cờ Hà Nội là lá quốc kỳ vẫn tung bay mỗi ngày từ năm 1986. Lá cờ là biểu tượng quan trọng cho sự thống nhất đất nước và sự góp mặt của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Du khách hãy bước theo các bậc thang dẫn lên đỉnh cột cờ để ngắm nhìn bảo tàng quân sự và Công viên Lê-nin bình dị bên dưới, sau đó ghé thăm bảo tàng gần đó để tìm hiểu thêm về lịch sử quân sự Việt Nam.

Đi qua những tòa nhà hiện còn lại của Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, du khách sẽ đến với Cột cờ Hà Nội. Được xây dựng từ năm 1805 đến năm 1812 để làm đài quan sát, cột cờ là một trong những tòa nhà hiếm hoi ở Hà Nội còn tồn tại sau cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trên đỉnh ngọn tháp cao 33 m, du khách sẽ thấy ngôi sao vàng trên nền đỏ của lá quốc kỳ Việt Nam phấp phới bay trong gió. Lá cờ có diện tích 24 mét vuông và cứ sau 2 đến 3 tuần sẽ được thay mới một lần.

Hãy vào bên trong cột cờ và bước lên cầu thang xoắn bằng đá. Du khách có thể dừng tại nhiều điểm trên đường lên để nhìn ra 36 ô cửa sổ hình hoa điểm xuyết dọc theo những bức tường cong dày dặn. Có ba tầng quan sát riêng biệt nhưng đài quan sát ở tầng trên cùng là nơi ngắm cảnh tốt nhất. Từ tám cửa sổ mở ra các hướng khác nhau, du khách có thể nhìn thấy xe tăng và máy bay trực thăng của bảo tàng quân sự hoặc quan sát mọi người đi dạo quanh những khu vườn và trảng cỏ xanh ở Công viên Lê-nin gần đó.

Là một phần của Bảo tàng Lịch sử Quân sự kế bên, Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ ở trung tâm Hà Nội. Bảo tàng mở cửa hàng ngày trừ Thứ Hai và Thứ Sáu và thu phí vào cửa không đáng kể. Sau khi ghé thăm cột cờ, du khách đừng quên khám phá bảo tàng. Nổi bật ở bảo tàng là máy bay chiến đấu của Liên Xô, máy bay F-111 của Mỹ và xác máy bay Pháp bị bắn hạ ở Điện Biên Phủ.

5. Chùa Một Cột

 

Có lẽ là ngôi chùa mang tính biểu tượng nhất ở Hà Nội, công trình tuyệt đẹp này tọa lạc trên một hồ nước trong khung cảnh thanh bình.

Chùa Một Cột độc đáo và ấn tượng được dựng trên hồ nước nhỏ chỉ với một cột đá chống. Du khách có thể ghé thăm đền thờ bên trong được trang trí công phu hoặc chỉ đơn giản là thư giãn trong khung cảnh yên bình dưới tán cây xanh.

Chùa Một Cột ban đầu được xây dựng theo lệnh của vua Lý Thái Tông, vị hoàng đế trị vì từ năm 1028 đến năm 1054. Dù bị thực dân Pháp phá hủy khi rút khỏi thành phố, công trình với tầm quan trọng mang tính biểu tượng này đã được xây dựng lại hoàn toàn vào năm 1955.

Khi đi đến chùa, du khách sẽ nhận thấy ngôi chùa được xây gần như hoàn toàn bằng gỗ. Người ta cho rằng nhiều nguyên liệu gốc đã được sử dụng trong quá trình phục dựng, đồng nghĩa với việc nhiều phần của công trình đã tồn tại gần 10 thế kỷ.

Dạo quanh hồ sen, du khách hãy chiêm ngưỡng hình dáng lạ thường của ngôi chùa. Phần mái rộng và cong được thiết kế mô phỏng hình bông sen vươn lên từ mặt nước hồ bên dưới.

Ở phía xa xa của hồ nước, du khách sẽ thấy cầu thang đá dẫn lên trên chùa. Chỉ có một gian chùa nhỏ đặt ban thờ với tượng Phật Quan Âm mạ vàng lấp lánh ở trong. Người dân địa phương nói rằng các cặp đôi cầu nguyện ở chùa này sẽ được ban cho hôn nhân và con cái. Dưới chân tượng bày rất nhiều hoa thơm và quả tươi của người đến lễ chùa.

Bước ra ngoài trời nắng đẹp, du khách hãy ngồi trên một chiếc ghế đá đặt quanh vườn hoa rực rỡ. Đừng bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn cây bồ đề lớn ở ngay phía sau chùa. Đây là món quà do Ấn Độ tặng vào năm 1958. Người ta tin rằng đây là nhánh của cây bồ đề nơi Đức Phật giác ngộ.

Chùa Một Cột nằm trong công viên phía sau phố Ông Ích Khiêm ở quận Ba Đình, Hà Nội. Chùa mở cửa tất cả các ngày trong tuần vào mùa hè nhưng đóng cửa Thứ Hai và Thứ Sáu vào mùa đông. Du khách không mất phí vào cửa.

 

6. Nhà Thờ lớn Hà Nội

Nhà thờ Lớn hay Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse được xây dựng theo phong cách tân Gothic của thế kỷ 19, với nhiều chi tiết phỏng theo phong cách kiến trúc của nhà thờ Đức Bà Paris. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội và cũng là một điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Được xây dựng vào thời Pháp thuộc, Nhà thờ Lớn là một công trình kiến trúc mang phong cách thuộc địa tiêu biểu tại Hà Nội.
Theo nhiều tài liệu, chính quyền Pháp đã cho phá dỡ chùa cổ Báo Thiên hơn 800 năm tuổi và dùng khu đất trên nền cũ của chùa để xây nhà thờ. Phong cách của 2 công trình kiến trúc này hoàn toàn khác biệt nhau. Nhà thờ Lớn mang phong cách tân Gothic với các tháp và trục đối xứng Châu Âu điển hình. Dài 64,5 m với tháp chuông cao 31,5 m, nhà thờ là một công trình kiến trúc hoành tráng thời bấy giờ.
Từ hồ Hoàn Kiếm đi theo hướng tây, du khách có thể dễ dàng nhận ra mặt tiền phai màu theo thời gian của nhà thờ từ khoảng cách khá xa. Các con phố rợp bóng cây quanh khu vực nhà thờ có khá nhiều khách sạn và cửa hàng thời trang đặc sắc. Khách du lịch đặc biệt yêu thích khu vực tĩnh lặng, tách biệt giữa sự nhộn nhịp của khu Phố Cổ này.
Khách chỉ có thể vào nhà thờ qua cổng bên. Những hàng cửa sổ kính màu và tranh tường theo chủ đề tôn giáo trong nhà thờ càng nhấn mạnh hơn phong cách kiến trúc Châu Âu truyền thống của mặt tiền nhà thờ. Xen vào đó vẫn có nhiều họa tiết, vật trang trí mang phong cách truyền thống Việt Nam dọc các lối đi, trên tường và trên cả bệ thờ. 
Sau nhiều năm tạm ngưng, các buổi Thánh Lễ đã được tổ chức lại tại nhà thờ từ năm 1990 và thu hút đông đảo giáo dân tham dự. Lễ được tổ chức mọi ngày trong tuần và luôn đông kín người. 
Nhà thờ Lớn Hà Nội nằm về hướng tây Hồ Hoàn Kiếm và cách khu vực Phố Cổ chỉ vài con phố ngắn. Nhà thờ mở cửa cho khách tham quan miễn phí. Giờ mở cửa có thay đổi tùy theo ngày và nhà thờ thường đóng cửa vào giờ nghỉ trưa.

 

7. Chợ Đồng Xuân
 
Đồng Xuân, một trong những ngôi chợ lớn nhất Hà Nội, là một tòa nhà chợ rộng lớn với hàng trăm sạp hàng dọc những lối đi hẹp. Có lịch sử hình thành từ thời Nguyễn, ngôi nhà chợ ngày nay buôn bán đủ mọi mặt hàng từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đến thức ăn được chính quyền Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Nhưng hầu hết khách du lịch tìm đến chợ để tham quan hơn là mua sắm thật sự.
Nhà chợ là một tòa nhà với 5 vòm cửa, che phủ trên diện tích hơn 6.500 mét vuông. Hãy đi dọc theo những lối đi hẹp để đi xuyên suốt từ đầu đến cuối chợ. Cũng như mọi ngôi chợ Việt Nam khác, chợ được chia thành những gian bán các mặt hàng đa dạng, như quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng và vải Việt Nam với nhiều hoa văn truyền thống. 
Như hầu hết mọi ngôi chợ trên cả nước, có rất nhiều thứ thú vị chờ du khách khám phá. Và nhớ xem kỹ nhãn hiệu trước khi mua bất kỳ món hàng có thương hiệu nào. Nhớ trả giá nếu sạp không có bảng thông báo miễn mặc cả. Và hãy nhẹ nhàng, từ tốn khi trả giá để tránh những phiền toái không đáng có.
Chợ Đồng Xuân là ngôi chợ của cư dân địa phương hơn là chợ phục vụ khách du lịch. Tuy tham quan chợ luôn thú vị, hãy nhớ rằng nhiều món hàng sẽ khó có thể mang về bằng đường hàng không hoặc phải ký gửi hành lý. Tuy nhiên, trong chợ có vài sạp bán những sản phẩm thủ công truyền thống hoặc quà lưu niệm và đây có thể là lựa chọn phù hợp cho du khách.
Gần đây chợ Đồng Xuân còn mở cả phiên chợ đêm, hợp chợ vào các ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật ngay trên các tuyến phố quanh chợ. Những sạp hàng này sẽ có nhiều hàng hóa phù hợp để mua làm quà tặng, quà lưu niệm hơn cho du khách. Nhớ đừng bỏ qua những hàng ăn trên phố trong khi dạo chợ.
 
8. Nhà hát lớn Hà Nội
 

Nhà hát mang nhiều dấu ấn lịch sử tại trung tâm thủ đô Hà Nội này là địa điểm tổ chức những chương trình nghệ thuật lớn của nhiều ca nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu Việt Nam.

Du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt vời của Nhà hát Lớn Hà Nội hay mua vé vào xem một trong những chương trình biểu diễn thường xuyên được tổ chức để có thể tận mắt thấy hết nội thất tráng lệ của nhà hát. 
Chính quyền thực dân Pháp xây dựng nhà hát vào thập niên đầu của thế kỷ 20. Công trình mang phong cách kiến trúc Phục Hưng này được xây dựng theo nguyên mẫu Cung Garnie - một trong 2 nhà hát opera nổi tiếng của Paris - và là một trong những địa danh kiến trúc nổi tiếng nhất của thành phố. Nhà hát hiện vẫn hoạt động và là nơi tổ chức biểu diễn của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam lẫn nước ngoài. 
Nhà hát Lớn có giá trị lịch sử, kiến trúc rất quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Hà Nội. Trong giai đoạn đầu sau ngày Độc lập, nhà hát là nơi tổ chức các buổi họp Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khi đó, khu vực quảng trường quanh nhà hát từng là những chiến trường khốc liệt giữa Việt Minh và quân đội Pháp, Nhật. 
Hãy đến vào ban ngày để có thể chiêm ngưỡng kiến trúc thuộc địa điển hình của nhà hát. Đi dọc quanh khu sân vườn mênh mông trước nhà hát để ngắm nhìn trọn vẹn từ mọi góc của tòa kiến trúc to lớn, bề thế với những đường nét kiến trúc Gothic và tân cổ điển xen kẽ này.
Tiếc là khách chỉ có thể vào trong nhà hát khi mua vé xem một chương trình biểu diễn nào đó. Tuy bản thân nhà hát đã là một công trình kiến trúc tuyệt vời, chỉ khi đắm mình trong một chương trình biểu diễn trong nhà hát, khán thính giả mới thật sự có thể tận hưởng hết sự tuyệt mĩ trong thiết kế. Ngày nay, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi tổ chức cả các chương trình nhạc kịch opera Pháp và Ý cổ điển lẫn những vở kịch Việt Nam. Và dĩ nhiên không thể thiếu những buổi biểu diễn ballet hay các chương trình của những đoàn nghệ thuật truyền thống tại nhà hát sức chứa 600 chỗ này. Nhớ lên kế hoạch sớm vì vé các chương trình nghệ thuật tại đây thường bán rất chạy.
Nhà hát Lớn Hà Nội nằm tại Quảng trường Cách mạng tháng 8. Rất dễ dàng tìm thấy nhà hát bề thế ngay trên phố. Không có vé vào cửa tham quan nhà hát và khách chỉ có thể vào trong nhà hát khi mua vé các chương trình biểu diễn được tổ chức tại đây.

9. Bảo tàng Hồ Chí Minh
 
Bảo tàng Hồ Chí Minh là công trình văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung trưng bày chính về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Bảo tàng là nơi để du khách có thể tìm hiểu chi tiết về cuộc đời và vai trò lịch sử của Người trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. 
Bản thân tòa nhà bảo tàng đã là một công trình kiến trúc tuyệt vời. Bên cạnh chức năng bảo tàng, tòa nhà còn là một đài tưởng niệm. Tòa kiến trúc nằm cạnh Lăng Bác trên Quảng trường Ba Đình. Tác giả thiết kế công trình là một kiến trúc sư người Nga nổi tiếng và công trình mang đậm dấu ấn của phong cách kiến trúc Xô Viết. Tai gian mở đầu là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng chào đón khách tham quan.
Nếu có điều kiện, nên mua vé tham gia chương trình tham quan có hướng dẫn của bảo tàng. Tuy cuộc đời và sự nghiệp của Bác không còn xa lạ với người dân Việt Nam, hướng dẫn viên sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về nội dung các gian trưng bày. 
Bảo tàng trưng bày hàng ngàn tư liệu, thư tín và các di vật khác nhau về những năm tháng cống hiến không mệt mỏi của Người cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Các tư liệu được trưng bày theo thứ tự thời gian về cuộc đời người từ tuổi ấu thơ, giai đoạn học tập tại Pháp và sau đó là những tháng ngày đấu tranh theo con đường Cộng sản của Người.
Với những thông tin đồ sộ và đặc sắc, nhiều du khách đều có nhận xét chung những giờ tham quan bảo tàng là một trải nghiệm rất sâu sắc, đáng nhớ.
Và cuối cùng, du khách có thể kết thúc chuyến tham quan của mình tại gian quà lưu niệm với nhiều sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam. 
Bảo tàng Hồ Chí Minh tọa lạc tại Quảng trường Ba Đình, cạnh Lăng Bác. Nên thu xếp để viếng lăng Bác và tham quan bảo tàng cùng ngày. Bảo tàng có giờ nghỉ trưa và đóng của vào các ngày Thứ Hai và Thứ Sáu hàng tuần. Khách phải mua vé vào cổng.
10. Phố Cổ
 
Phố Cổ Hà Nội là khu phố với những con phố truyền thống nổi tiếng và lâu đời nhất của thủ đô Việt Nam. Những tòa nhà mang phong cách kiến trúc Á, Âu nằm xen kẽ nhau trong khu vực được xem là biểu tượng của Hà Nội này. Hãy chọn một khách sạn trong khu vực này cho kỳ nghỉ của mình và từ đây có thể thuận tiện thăm viếng mọi điểm tham quan nổi tiếng trong thành phố. Tại đây du khách có thể tìm được tất cả mọi thứ từ trung tâm văn hóa, quán cà phê, cửa hiệu lẫn những nhà hàng Việt Nam truyền thống nổi tiếng. 
Hà Nội trong lịch sử là phố chợ với 36 phố phường. Từ khi Pháp bắt đầu đặt chân vào Việt Nam, Hà Nội ngày một phát triển nhưng khu phố này vẫn là trái tim của thủ đô. Hầu hết mọi điểm tham quan nổi tiếng của Hà Nội đều nằm trong hoặc quanh khu vực Phố Cổ, như Nhà hát Múa Rối Nước Thăng Long và Hồ Hoàn Kiếm cùng đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc.
Hãy tìm một hàng chè và ngồi ngắm phố phường nhộn nhịp. Hay thử những món ăn thơm phức từ các hàng quán vỉa hè hoặc những ly sấu mát lạnh. Hoăc thẳng tiến đến phố Tạ Hiện và thử "đặc sản" Hà Nội: bia hơi mát lạnh và tươi ngon. Đêm xuống, hãy tìm đến những quán bar nhộn nhịp hoặc thử những món Bắc truyền thống tại các nhà hàng nổi tiếng.
Phố Cổ còn là nơi tập trung nhiều khu chợ nổi tiếng của thủ đô. Hãy đến Chợ Đêm vào các đêm cuối tuần hoặc dừng chân tại chợ Đồng Xuân danh tiếng vào các ngày trong tuần. Và cũng trong khu vực Phố Cổ, du khách có thể tìm được nhiều cửa hàng quà lưu niệm với những món hàng thủ công truyền thống tuyệt đẹp. 
Phố Cổ nằm ngay trung tâm thủ đô và là nơi tập trung nhiều khách sạn từ cao cấp đến nhà trọ bình dân.
Phố Cổ nằm về hướng bắc Hồ Hoàn Kiếm, với phạm vi khá nhỏ vì thế khách có thể dễ dàng đi bộ tham quan toàn khu vực.
11. Ô Quan Chưởng
 

Hình dáng đẹp mắt của cửa ô duy nhất còn lại tại Hà Nội gợi nhớ về những năm tháng thành phố bị bao vây trước đây.

Hãy bước qua lối vào chính uốn vòm của Ô Quan Chưởng và tưởng tượng mình là một trong những chiến sĩ đã anh dũng đấu tranh bảo vệ thành phố từ địa điểm này trong nhiều đợt bao vây, cũng như trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Ngắm nhìn phần mái cong của tháp giữa và hướng mắt nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng - quốc kỳ Việt Nam - đang tung bay trong gió.

Được xây dựng vào năm 1749, đây là cửa ô cuối cùng còn lại trong số những cửa ô xung quanh thành phố trước đây. Nơi đây được người dân gọi tên là Quan Chưởng nhằm tưởng nhớ vị lãnh đạo quân sự đã hi sinh khi chiến đấu chống lại quân Pháp ở chính nơi đây vào năm 1843. Cửa ô này một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong chiến đấu chống Pháp từ năm 1946 đến 1947.

Hãy chú ý rằng cửa ô này còn là một điểm quân sự chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều súng bắn máy bay từng được đặt ở đây. Tuy đã qua vài lần tu sửa nhưng cửa ô này vẫn giữ được hình dáng và cấu trúc ban đầu.  

Lối vào chính của cửa ô nhìn ra hướng đông, về phía sông Hồng. Khi tới gần, du khách sẽ cảm nhận được sự cao lớn của cổng vào uốn vòm. Cổng cao 3 m và có hai tầng. Tầng trên có tháp canh màu xám với kiểu mái cong truyền thống. Khi đến gần hơn, du khách sẽ nhìn thấy một bia đá nhỏ. Bia đá này được dựng vào năm 1882, khắc lệnh cấm người canh gác sách nhiễu nhân dân qua lại cửa ô.

Tiếp tục tham quan những lối đi bộ nhỏ hơn ở hai bên cổng chính để vào trung tâm phố cổ Hà Nội. Tại đây, du khách có thể ghé thăm những khu chợ bán hoa quả và rau tươi cùng những món hàng lụa thủ công tuyệt đẹp với giá tốt.

Ô Quan Chưởng nằm ở ngã tư Hàng Chiếu - Đào Duy Từ, ở ngay phía bắc Hồ Hoàn Kiếm.

12. Cầu Long Biên

Có vai trò quan trọng về cả kiến trúc và lịch sử, cây cầu này đã đóng góp một phần không nhỏ trong nỗ lực giành độc lập của người dân Việt Nam. Công trình là biểu tượng cho sức mạnh quân sự và kỹ thuật xây dựng của đất nước.

Ra đời dưới bàn tay tài hoa của các kiến trúc sư người Pháp Henri Daydé và Auguste Pillé, cầu Long Biên là một công trình cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời Pháp thuộc và trong Chiến tranh chống Mỹ. Du khách có thể đi dọc cây cầu lịch sử và trải mắt ngắm quang cảnh tuyệt đẹp.

Khi được hoàn thành vào năm 1902, cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng của Hà Nội. Công trình được coi là một trong những tác phẩm kiến trúc hoành tráng nhất phương Đông, đã mang lại cảm ứng cho nhiều nhà thơ và nhạc sĩ. Trong Chiến tranh chống Mỹ, biểu tượng này cũng được sử dụng nhiều trong các bài hát và bài thơ yêu nước.

Cầu chỉ dài hơn 2,3 km nên du khách có thể thư thái đi bộ hoặc đạp xe. Thưởng ngoạn khung cảnh sông Hồng, ngắm nhìn sà lan nổi bên dưới và quan sát những phần khung thép gỉ cùng những chỗ bị quân đội Mỹ ném bom trên cầu từ năm 1967 đến năm 1972.

Do người Pháp thiết kế và được người Việt xây dựng bằng nguyên vật liệu địa phương, đây là cây cầu chiến lược nối liền Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng. Trong thời bình, cây cầu từng được sử dụng để vận chuyển gạo giữa các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung Việt Nam. Cây cầu cũng đóng vai trò quan trọng về quân sự trong sự nghiệp chống Pháp ở trận Điện Biên Phủ, sự kiện đã khiến thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương.

Ngày nay, cầu Long Biên không cho xe hơi lưu thông. Đây là một trong năm cây cầu bắc qua sông Hồng.